Đi dự tiệc đầy tháng, thanh niên đâm chết người

Bị đánh vô cớ sau tiệc đầy tháng, Nguyễn Thành Đồng ra xe lấy dao đâm đối phương.
Ngày 8-11, TAND TP HCM xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Đồng (SN 1994; ngụ tỉnh Lâm Đồng) 19 năm tù về tội "Giết người".
Bị cáo Nguyễn Thành Đồng được dẫn giải sau phiên tòa
Theo cáo trạng, tối 20-5, sau khi dự buổi tiệc đầy tháng của con anh T.T tổ chức tại một quán ở Quốc lộ 22, ấp Mỹ Hòa 1, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP HCM, anh Huỳnh Trọng Tín vô cớ đánh vào mặt Nguyễn Thành Đồng.
Dù đã được can ngăn nhưng do bực tức trước việc bị đánh, Đồng ra xe, lấy dao vào đâm liên tiếp làm anh Tín chết tại chỗ.
Nguồn: Thu Trang - (nld.com.vn)
T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Vụ đánh ghen tàn bạo ở Cà Mau: Truy người tung clip lên mạng

HĐXX trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ một số vấn đề, trong đó có việc ai là người đưa đoạn clip đánh ghen lên mạng xã hội.

Chiều 16-10, sau gần 1 tháng nghị án, HĐXX sơ thẩm của TAND huyện Cái Nước (Cà Mau) đã quyết định trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp điều tra bổ sung. Lý do là vì HĐXX xét thấy hồ sơ vụ án còn một số vấn đề cần làm rõ như: ai là người đưa đoạn clip đánh ghen lên mạng xã hội; xác định rõ vai trò đồng phạm có tổ chức hay không tổ chức; hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án.

Bị cáo Diệu trả lời trước HĐXX. Ảnh: VÂN DU

Trước đó, vào ngày 18-9, kết thúc buổi xét xử sơ thẩm, HĐXX của TAND huyện Cái Nước thông báo vụ án sẽ được tuyên vào ngày 20-9. Tuy nhiên, tới ngày tuyên án, HĐXX tiếp tục thông báo vụ án sẽ dời ngày tuyên án tới 16-10.

Tại phiên xét xử sơ thẩm, VKSND huyện Cái Nước đề nghị mức án 3-6 tháng tù giam đối với bị cáo Huỳnh Thị Dung (34 tuổi; ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau). Các bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Thị Diệu (34 tuổi, vợ của thượng úy Nguyễn Văn Thi), Nguyễn Thị Huệ (44 tuổi, dì ruột bị cáo Diệu), Nguyễn Văn Đủ (27 tuổi, em ruột Diệu), Lê Minh Kha (21 tuổi, con bà Huệ) và Trần Hoàng Vũ (ngụ huyện Cái Nước), cùng bị đề nghị từ 6 tháng đến 1 năm cải tạo không giam giữ.

Bị cáo Dung (đứng) bị đề nghị mức án cao nhất. Ảnh: VÂN DU

Theo cáo trạng, vào khoảng 1 giờ ngày 13-5, bà Dung cùng với 7 người khác kéo đến nhà ông T.V.T (ngụ xã Đông Hưng, huyện Cái Nước) để đánh ghen.

Khi đến nơi, bà Diệu phát hiện chồng mình là ông Nguyễn Văn Thi (công tác tại Trại giam Cái Tàu, thuộc Tổng cục VIII, Bộ Công an) và bà bà T.H.P (ngụ xã Nguyễn Phích) đang nằm trong phòng ngủ trong tình trạng không mảnh vải che thân.

Bị cáo Kha (đứng) bị đề nghị mức án 6-9 tháng cải tạo không giam giữ. Ảnh: VÂN DU

Chứng kiến cảnh trên, bà Diệu cùng những người đi đánh ghen đã lôi ông Thi cùng bà P. ra khỏi phòng rồi trói lại, đánh đập, bôi chất bẩn vào người… Ngoài ra, bà P. còn bị cắt tóc và quay clip lại. Sau đó, nhóm người đánh ghen cho cả 2 mặc quần áo vào.

Vụ đánh ghen tàn bạo từng gây xôn xao dư luận ở Cà Mau. Ảnh cắt ra từ clip

Đoạn clip ghi lại cảnh đánh ghen hết sức tàn bạo sau đó được tung lên mạng xã hội khiến dư luận xôn xao. Sau đó, cơ quan chức năng vào cuộc và tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi "Làm nhục người khác" đối với các bị cáo nêu trên.

Sau sự việc này, thượng úy Thi đã bị đơn vị chủ quản tạm đình chỉ công tác, đề nghị giáng cấp, chờ xử lý sau khi có kết luận của cơ quan điều tra. Chủ tịch UBND và trưởng Công an xã Đông Hưng cũng bị kiểm điểm vì không kịp thời báo cáo sự việc lên cấp trên.

Nguồn: VÂN DU - (nld.com.vn)

T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Tranh chấp nhãn hiệu: Mì HẢO HẢO 'đấu' HẢO HẠNG

Người tiêu dùng trong 14 năm qua đã quen với nhãn hiệu mì Hảo Hảo của Vina Acecook. Gần đây, thị trường xuất hiện thêm một sản phẩm có cái tên, vỏ bao bì na ná, gọi là mì Hảo Hạng.Rõ ràng, dù ở tình huống nào thì chỉ những thương hiệu, nhãn hiệu có giá, được người tiêu dùng đón nhận mới được nhà sản xuất, DN đi sau muốn… “ăn theo”.

Tranh chấp “nhãn hiệu dẫn đầu”

Theo ghi nhận của DĐDN, nhãn hiệu của sản phẩm mì Hảo Hảo được Vina Acecook chính thức cho ra mắt trên thị trường Việt Nam vào năm 2000. Hiện Vina Acecook là chủ sở hữu hợp pháp nhãn hiệu hàng hóa “Hảo Hảo” số 62360 cho sản phẩm mì ăn liền thuộc nhóm 30. Nhãn hiệu này cũng đã được gia hạn quyền chủ sở đến ngày 27/06/2023, theo quyết định gia hạn số 65278/QĐ-SHTT, ngày 15/11/2012. 

Tuy nhiên, vào cuối tháng 1/2015, thị trường xuất hiện loại mì ăn liền với phân khúc giá trung bình tương tự phân khúc mì Hảo Hảo đang lưu hành. Đó là sản phẩm được sản xuất dưới nhãn hiệu “Hảo Hạng” của Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu – Asia Food. Sản phẩm này có nhiều dấu hiệu tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hảo Hảo” của Vina Acecook. Như ngoài cái tên giống nghĩa, chỉ thay từ đồng âm “Hảo” bằng “Hạng”, mẫu bì bao bì từ sản phẩm đến thùng đựng mì đều tương tự.

Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa đã và đang có vị trí đầu bảng, đóng góp 60% doanh số của Vina Acecook mỗi năm, Vina Acecook có công văn gửi đến Asia Food và khuyến cáo về hành vi sản xuất kinh doanh hàng hóa vi phạm nhãn hiệu.

Ngày 5/2/2015, Asia Food có công văn trả lời, cho biết sản phẩm mì Hảo Hạng cũng đã được DN đăng kí sở hữu trí tuệ, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu số 119302. Asia Food cũng mong muốn có một cuộc gặp mặt giữa hai đơn vị sản xuất “để trao đổi trên tinh thần hợp tác để giải quyết vụ việc êm đẹp, không cần sự can thiệp của các cơ quan chức năng”.

Nguồn tin riêng của DĐDN cho biết kết quả cuộc họp giữa hai DN đã không đi đến thỏa thuận thống nhất quan điểm. Ngay sau đó, Vina Acecook tiếp tục có công văn gửi  đến Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ để xin ý kiến về sự việc này.

Nhãn hiệu Hảo Hảo đã và đang có vị trí đầu bảng, đóng góp 60% doanh số của Vina Acecook mỗi năm.

“Sẽ còn nhiều cuộc đua không lành mạnh”...

Công văn phúc đáp vụ việc của Cục Sở hữu trí tuệ đã kết luận: “Mẫu bao gói mì ăn liền mang dấu hiệu “Mì Hảo Hạng, Tôm chua cay & Hình” của Công ty CP Thực phẩm Á Châu sử dụng trong thực tế (khác với mẫu được bảo hộ theo GCN ĐKNHHH số 119302) có cách trình bày kiểu chữ; đặc biệt là dấu hiệu hình tô và sợi mì, hình các con tôm, rau thơm... với màu sắc chủ đạo của bao gói tạo thành một tổng thể tương tự, gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Hảo Hảo. Mì tôm chua cay, hình” được bảo hộ theo GCN ĐKNHHH số 62360”. Như vậy, kết luận của Cục Sở hữu trí tuệ đã rõ về nhãn hiệu nào là nhãn gốc trong vụ tranh chấp.

Giới quan sát cho rằng, có khá nhiều điều đáng quan tâm được đặt ra thông qua vụ việc tranh chấp nhãn hiệu mì nói trên. Thứ nhất, tại sao cùng một cơ quan cấp quyền sở hữu trí tuệ, lại có thể cấp giấy đăng kí sở hữu cho hai nhãn hiệu tương tự, na ná dễ gây nhầm lẫn của cùng những DN trong một ngành hàng? Có lẽ không quá khó để viện dẫn các trường hợp cùng một nhãn hiệu, nhưng cơ quan quản lí, cấp phép, xác nhận vẫn cấp giấy xác nhận, đăng kí… khiến DN vướng vòng kiện tụng.

Ví dụ, cùng một cái tên Phúc Sinh, cùng kinh doanh trong ngành hàng nông sản, nhưng Sở Kế hoạch Đầu tư TP HCM vẫn cấp phép cho DN đăng kí sau, bất chấp đã có DN đăng kí và hoạt động trước trong nhiều năm, khiến Phúc Sinh có trước phải tốn kém chi phí và thời gian đeo đuổi vụ kiện đòi tên. Nhưng phổ biến nhất có lẽ vẫn là các vụ cố tình sử dụng cùng thương hiệu, dễ gây nhầm lẫn dẫn tới tranh chấp. Như chính Vina Acecook một thời phải bảo vệ bản quyền mì “Lẩu Thái” trước Thiên Hương, hay những vụ tranh chấp thương hiệu Dệt may Việt Thy, Vang Đà Lạt…

“Không loại trừ khả năng sẽ còn nhiều cuộc rượt đuổi theo Hảo Hảo, mà không phải đấu thủ nào cũng đủ bản lĩnh “đua” lành mạnh. Vì vậy, bên cạnh sự chủ động của chính DN, càng cần có sự tỉnh táo của người tiêu dùng và sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng”, một chuyên gia  sở hữu trí tuệ khẳng định.

Theo News.zing.vn

T/h Yến Phương - (dongbang.vn)

Siêu lừa mượn mác "phó giám đốc" có đến 4 lệnh truy nã

Giả danh phó giám đốc đơn vị thi công, đối tượng thuê xe đào đất của một số cá nhân rồi đem bán, thu lợi hàng tỉ đồng.

Ngày 1-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thủ Thừa (Long An) cho biết hoàn tất hồ sơ chuyển sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Tô Kim Hưng (SN 1984; ngụ huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Bị can Tô Kim Hưng (Ảnh: Công an cung cấp)

Theo hồ sơ điều tra, cuối tháng 1-2018, Hưng đến ngã tư An Sương quận 12 (TP HCM) để tìm cách lừa người chuyên cho thuê xe Kobe (chuyên dùng để đào đất). Hưng đưa danh thiếp tên Hà Văn Tình, Phó giám đốc sàn giao dịch bất động sản NS tại phường 10, quận 5 (TP HCM). Tin lời, chủ xe đồng ý đưa xe xuống thi công theo hợp đồng.

Khi xe đến KCN xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Hưng chỉ vào lô đất cho tài xế xe Kobe biết và khẳng định là sẽ thi công lâu. Do có chuyện gia đình, tài xế đậu xe Kobe gần đó rồi về Tiền Giang. Hưng điện thoại cho một chủ bãi xe ở quận 12 xuống và bán ngay chiều hôm đó với giá 170 triệu đồng rồi bỏ trốn. Hôm sau tài xế lên không thấy xe, hỏi thì được biết khu đất này đã có chủ từ lâu.

Biết bị lừa, tài xế đến Công an huyện Thủ Thừa trình báo. Qua truy xét, ngày 21-8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Thủ Thừa bắt giữ tên Hưng tại nhà người tình của y tại xã An Thái Trung, huyện Cái Bè (Tiền Giang).

Mở rộng điều tra, Công an huyện xác định, trong vòng 1 năm, cũng với thủ đoạn này Hưng đã  lừa lấy tổng cộng 30 xe Kobe khắp các tỉnh thành.

Siêu lừa này đang có 4 quyết định truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nguồn: H.Minh - (nld.com.vn)

T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Nhầm tưởng vợ bầu bị đánh, nam thanh niên đâm chết người

Chở vợ đi gặp lúc anh vợ đang bị người khác đánh nên cả hai vợ chồng vô can ngăn. Nhầm tưởng vợ đang mang thai bị đối phương đánh, Nguyễn Tấn Sang làm 2 người thương vong.

Ngày 23-11, TAND TP HCM mở phiên tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Tấn Sang (SN 1996; ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) tù chung thân về tội "Giết người" và 3 năm tù tội "Cố ý gây thương tích"; tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Buộc bị cáo bồi thường 335 triệu đồng cho bà Phạm Thị Ngọc Hằng (vợ nạn nhân), 139 triệu đồng tổn thất tinh thần cho gia đình nạn nhân, bồi thường 50 triệu đồng cho anh Trần Tuấn Anh.

Bênh vực vợ và anh vợ, Nguyễn Tấn Sang đã đâm chết người

Theo cáo trạng, khoảng 22 giờ ngày 6-5, chị Phạm Thị Ngọc Hằng (ngụ huyện Nhà Bè, TP HCM) nghe tiếng chó sủa phía sau nhà. Thấy có bóng người nên tưởng có người ăn trộm gà, chị Hằng chạy về phía trước tri hô trộm. Lúc này, anh Trần Phong Vũ (chồng chị Hằng), cùng anh Trần Tuấn Anh và 4 người bạn đang ngồi nhậu trước nhà nghe tiếng tri hô của chị Hằng liền chạy ra. Bất ngờ gặp Nguyễn Thái Hòa đang đậu xe máy gần đó, tưởng thanh niên này có liên quan đến vụ trộm gà nên Trần Phong Vũ cùng Trần Tuấn Anh nhào đến đánh.

Cùng lúc đó, Nguyễn Tấn Sang (là em rể của Hòa) chở vợ đi ngang qua thấy nên 2 vợ chồng dừng lại can ngăn. Trong lúc can ngăn, nhầm tưởng vợ (đang mang bầu 4 tháng) bị Trần Phong Vũ và Trần Tuấn Anh đánh nên Sang đã đâm cả hai; làm anh Vũ tử vong và gây thương tích 11% cho anh Tuấn Anh.

Nguồn: Thu Trang - (nld.com.vn)

T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Nghi phạm dùng súng và dao sát hại cô gái đã uống thuốc diệt cỏ trước khi gây án

Nghi phạm vì không được yêu dùng súng sát hại cô gái bán đậu phụ ở chợ Tân An (Hải Dương) hiện đã tử vong.

Hiện trường nơi xảy ra án mạng

Ngày 22-11, Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) Công an tỉnh Hải Dương xác nhận, Chu Đăng Khoa (SN 1983, trú tại khu dân cư Trại Mét, phường Bến Tắm, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) - nghi phạm dùng súng và dao sát hại người phụ nữ bán đậu phụ ở chợ Tân An - đã tử vong.

Theo ông Vũ Đình Thạch, Chủ tịch UBND phường Bến Tắm, Chu Đăng Khoa đã tử vong vào khoảng 21 giờ tối 21-11 tại nhà riêng sau khi BV Đa khoa tỉnh Hải Dương trả về.

Được biết trước khi gây án, Khoa đã uống thuốc diệt cỏ.

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, khoảng 8 giờ 45 phút ngày 14-11, PC02 Công an tỉnh Hải Dương nhận được tin báo của Công an thị xã Chí Linh về việc chị Đinh Thị Ngọc A. (SN 1992, trú tại khu dân cư Bến Tắm, phường Hoàng Tân, thị xã Chí Linh) bị Chu Đăng Khoa sử dụng súng tự chế bắn và sử dụng dao đâm nhiều nhát vào vùng ngực tại cổng chợ Tân An, địa phận phường Bến Tắm.

Hậu quả, chị A. tử vong tại hiện trường. Gây án xong, Khoa dùng dao đâm 3 nhát vào bụng mình. Ngay sau khi xảy ra sự việc, Khoa được đưa đi cấp cứu tại trung tâm Y tế thị xã Chí Linh.

Sau khi nhận được tin báo, PC02 đã phối hợp cùng phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thị xã Chí Linh, VKSND tỉnh Hải Dương, chính quyền địa phương tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ điều tra xác minh.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, vào khoảng 8 giờ 20 phút ngày 14-11, Chu Đăng Khoa đi xe máy một mình đến cổng chợ Tân An gặp chị Đinh Thị Ngọc A. đang bán đậu phụ tại cổng chợ. Lúc này, Khoa rút súng tự chế cất giấu trong người bắn vài phát, trong đó có một phát súng trúng vùng vai trái của chị A.

Sau đó, Khoa tiếp tục sử dụng 1 dao gấp 1 dao bầu đâm nhiều nhát vào người chị A. Thấy chị A. bất động, Chu Đăng Khoa tự dùng dao gấp đâm 3 nhát vào bụng mình và gục tại hiện trường.

Nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng trên, theo lời của chị Chu Thị Nga (SN 1980, trú tại khu trung tâm phường Bến Tắm, chị gái của Chu Đăng Khoa) và ông Chu Văn Tân (SN 1958, bố đẻ của Chu Đăng Khoa), khoảng hơn 1 năm trước, chị A. có kể với chị Nga về việc chị A. và Khoa có nhắn tin qua lại với nhau. Sau đó, chị A. không muốn tiếp tục có quan hệ với Khoa nhưng Khoa không đồng ý. Khoa đã đe dọa chị A. và 2 bên có lời qua tiếng lại với nhau.

Trước sự việc trên, chồng chị A. đã gặp nói chuyện với Khoa về việc trên. Đồng thời, Công an phường Bến Tắm cũng đã làm việc với Khoa về nội dung nhắn tin đe dọa chị A.. Tuy nhiên, đến ngày 14-11 thì xảy ra vụ án trên

Nguồn: Tr.Đức - (nld.com.vn)

T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Lừa đảo, nguyên lãnh đạo quỹ tín dụng bị phạt 20 năm tù

Sau nhiều ngày xét xử sơ thẩm, chiều 22-10, TAND tỉnh Hậu Giang đã tuyên phạt các bị cáo Lê Hữu Tâm (nguyên Chủ tịch HĐQT Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) tỉnh Hậu Giang) 20 năm tù, Nguyễn Thiện Hồng (nguyên Giám đốc QTDND) 12 năm tù và Phan Văn Tập (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiện Quỳnh Kiên Giang) 13 năm tù; cùng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo cáo trạng, năm 2011, Tâm đã hợp thức hóa hồ sơ cho 28 người thân và nhân viên vay tiền của QTDND tỉnh Hậu Giang. Khi đến hạn dù những hồ sơ này không trả vốn, lãi nhưng Tâm vẫn tiếp tục làm hồ sơ đáo hạn, nâng mức tiền vay lên cao hơn.

Khi QTDND mất khả năng thanh toán, Tâm chỉ đạo cho Bùi Chí Linh (nguyên Phó Giám đốc QTDND, đã chết) huy động vốn với lãi suất cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước để lấy tiền trả cho khách hàng. Linh đề xuất để sổ tiết kiệm của một số khách hàng ngoài hệ thống sổ sách quản lý của quỹ để đối phó với ban kiểm soát đặc biệt, qua đó Linh đã chiếm đoạt 2,7 tỉ đồng.

Bị cáo Lê Hữu Tâm (phải) và Phan Văn Tập tại tòa

Năm 2012, Tâm chỉ đạo Hồng ký chứng nhận bảo lãnh thực hiện hợp đồng trị giá 20 tỉ đồng bảo lãnh cho Công ty Tùng Bách (do chính Tâm làm Chủ tịch HĐQT) để mua thức ăn chăn nuôi của Công ty De Heus (trụ sở tại tỉnh Bình Dương). Số thức ăn mua về Tâm đem bán lấy tiền để trả nợ, dùng phục vụ kinh doanh và chi xài cá nhân. Tâm và Hồng còn ký chứng thư bảo lãnh Tập thực hiện hợp đồng 5 tỉ đồng mua thức ăn trả chậm của Công ty De Heus. Qua đó, Tập và Linh đã chiếm đoạt hơn 4,8 tỉ đồng.

Tổng cộng Tâm và Hồng đã lừa đảo, chiếm đoạt của QTDND hơn 45 tỉ đồng, chiếm đoạt Công ty De Heus gần 18 tỉ đồng. Tâm và Linh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tiền của khách hàng quỹ 2,1 tỉ đồng. Linh và Tập lừa đảo chiếm đoạt của De Heus hơn 4,8 tỉ đồng.

HĐXX buộc Tâm và Tập phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt lại cho quỹ tín dụng và các bị hại. 

Nguồn: S.Anh - (nld.com.vn)

T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)

Bị nháy thương hiệu, chủ nhà hàng “SƯỜN CÂY” kiện ra toà làm sáng tỏ

Theo đơn kiện, nhãn hiệu “Sườn Cây” đã được doanh nghiệp này đăng ký và được Cục Sở Hữu Trí Tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 229419, thời hạn 10 năm kể từ ngày 5/8/2014.

Trong quá trình hoạt động, vào đầu tháng 2/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới phát hiện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ăn uống trên địa bàn TP HCM (Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí ANH EM) đã sử dụng nhãn hiệu “Sườn Cây” trên bảng hiệu công ty khi chưa có sự đồng ý của Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới. 

Theo đơn kiện, Công ty Viên Ngọc Mới đã 3 lần gửi công văn, thư khuyến cáo yêu cầu nhà hàng tại 97 Quang Trung Phường 8, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh  phải chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Sườn Cây” trên biển hiệu. Tuy nhiên, phớt lờ yêu cầu nói trên, Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí ANH EM không phản hồi và cũng không chấm dứt hành vi vi phạm này. 

Cuối tháng 3/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới đã đề nghị Viện Khoa học Sở Hữu Trí Tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) tiến hành giám định sở hữu công nghiệp đối với các chứng cứ vi phạm của Công Ty Cổ Phần Dịch Vụ Ăn Uống & Giải Trí ANH EM.

Tại kết luận giám định số NH081 - 16YC/KLGD ngày 17/3/2016, Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ kết luận: “Dấu hiệu “Sườn Cây” gắn trên biển hiệu nhằm kinh doanh dịch vụ nhà hàng ăn uống – như được thể hiện trên tài liệu 1 là yếu tố xâm phạm quyền (quy định tại điều 11, Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu “Sườn Cây” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 229419 của Công ty Cổ phần Đầu tư Viên Ngọc Mới”.

Ông Trần Đức Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Hội Luật gia Việt Nam cho biết: “Đối với các doanh nghiệp đã được Nhà nước bảo hộ Sỡ hữu Trí tuệ về nhãn hiệu, khi có tranh chấp xảy ra, Tòa án sẽ bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính".

Trả lời phỏng vấn Báo chí, ông Trần Đức Long, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Hội Luật gia Việt Nam cho biết: “Đối với vụ kiện của Công ty Viên Ngọc Mới, tôi được biết Tòa án đã thụ lý vụ án. Tiến trình tố tụng sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tòa án sẽ xem xét và căn cứ vào hồ sơ vụ án, sẽ đánh giá khách quan, toàn diện các giám định, kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về vi phạm Sỡ hữu Trí tuệ trong vụ này nếu đã có. Trong trường hợp chưa có giám định, có thể Tòa sẽ trưng cầu giám định đối với nhãn hiệu bị vi phạm…Về mặt nguyên tắc, Tòa án sẽ xem xét toàn diện hồ sơ vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp đã được cấp Giấy Chứng nhận Đăng ký nhãn hiệu.

Dù có thể vụ án sẽ được tiến hành qua nhiều bước, các bên liên quan sẽ thực hiện nhiều quy trình cung cấp chứng cứ, tài liệu….nhưng tôi tin rằng Tòa án sẽ bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính”, luật gia Trần Đức Long nói.

 

Theo đơn khởi kiện ngày 23/03/2016 gửi Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, yêu cầu khởi kiện của CTCP Đầu tư Viên Ngọc Mới nhằm buộc CTCP Dịch vụ ăn uống và giải trí Anh Em phải thực hiện các nghĩa vụ sau đây:

1.  Chấm dứt hành vi vi phạm

2.  Thay đổi biển hiệu có nhãn hiệu “SƯỜN CÂY” hiện tại tại Nhà hàng

3.  Xin lỗi công khai về hành vi vi phạm

4.  Bồi thường cho CTCP Đầu tư Viên Ngọc Mới các khoản chi phí; chi phí thuê luật sư; chi phí giám định vi phạm, chi phí đi lại cho nhân viên công ty theo đuổi vụ kiện; chi phí tổn thất uy tín, thương hiệu “SƯỜN CÂY”, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Nguồn: (PLO)

T/h: Yến Phương - (dongbang.vn)

Bảo mẫu hành hạ trẻ: Hối hận, đau đớn!

Bảo mẫu hành hạ trẻ khai do áp lực cuộc sống nên đã hành động thiếu kiểm soát và rất đau đớn khi xảy ra sự việc

Ngày 15-11, TAND huyện Bình Chánh, TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Trần Thị Hồng Phúc (SN 1992; ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) mức án 1 năm 6 tháng tù về tội "Hành hạ người khác".

Đánh đập, hù dọa trẻ

Được dẫn giải đến phòng xét xử, bảo mẫu Phúc tỏ vẻ vui mừng khi gặp mẹ. Phúc xin phép cán bộ dẫn giải, hỏi thăm sức khỏe con trai và bệnh tình của mẹ. Không muốn con gái thêm lo, người mẹ trả lời tất cả đều khỏe mạnh, dặn con cố gắng cải tạo tốt.

Nghe đại diện VKSND huyện Bình Chánh công bố bản cáo trạng về hành vi của mình, ánh mắt Phúc hằn nỗi lo sợ, đôi tay đan chặt vào nhau, thỉnh thoảng quay sang xin lỗi cha bị hại.

Bảo mẫu Trần Thị Hồng Phúc tại phiên tòa ngày 15-11

Theo cáo trạng, sau khi tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành sư phạm mầm non, Phúc học thêm lớp cấp tốc về chăm sóc trẻ em. Nhận được chứng chỉ sau một tháng, Phúc xin vào làm bảo mẫu tại cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh vào đầu năm 2018.

Cơ sở mầm non chật hẹp nhưng nhận đến 50 học sinh trong khi chỉ có 3 bảo mẫu chăm sóc. Sáng 25-7, bé P.T.N.D (SN 2013) bị bệnh nên quấy khóc, nhiều lần la hét, ói ra sàn. Lúc này, Phúc đang dỗ dành bé khác, quay sang thấy bé D. ói nên không kiềm chế đã dùng dép nhựa đánh vào mặt cháu. Bị đánh đau, bé D. tiếp tục khóc, Phúc dùng cây kéo chĩa vào mặt hù dọa. Bé D. thấy vậy nên im lặng và được Phúc cho ăn rồi cho đi ngủ. Toàn bộ diễn biến sự việc bị camera an ninh ghi lại và các bảo mẫu khác chứng kiến.

Đến chiều cùng ngày, bà nội bé D. đến đón, thấy cháu sợ sệt, mặt sưng tấy, bà gặng hỏi thì D. kể lại bị cô Phúc đánh khi ói ra sàn nhà. Gia đình bé D. tố cáo và Phúc bị công an bắt khẩn cấp ngay sau đó. Sau khi xảy ra sự việc, chính quyền địa phương đã đình chỉ hoạt động cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng.

Nhận sai trái và hối hận

Trước tòa, Phúc thừa nhận hành vi của mình là sai trái, mong tòa xem xét khi lượng hình. Nói về lý do bạo hành bé D., Phúc cho biết do quá áp lực về cuộc sống cũng như công việc nên đã nổi nóng, rồi có hành động thiếu kiểm soát. "Theo tiêu chuẩn, mỗi bảo mẫu chỉ trông hơn chục cháu nhưng ở cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng có hơn 50 cháu mà chỉ có 3 bảo mẫu lo tất cả các công việc. Hết cháu này la hét đến cháu kia nôn ói, đánh nhau, đi vệ sinh không đúng chỗ… khiến chúng tôi bị áp lực ghê gớm" - Phúc phân trần. Im lặng hồi lâu, giọng Phúc đứt đoạn: "Tôi vô cùng hối hận khi để bị áp lực cuộc sống, công việc chi phối đến tình yêu thương trẻ". Phúc mong tòa xem xét mức án nhẹ nhất để sớm trở về chăm sóc con nhỏ, mẹ già.

Vị hội thẩm ân cần phân tích: "Hành vi đánh đập, dùng kéo hù dọa sẽ ảnh hưởng sâu nặng đến tâm lý các cháu đến khi lớn lên. Những ký ức nặng nề đó khó phai nhạt trong quãng đời tuổi thơ trong trẻo và hồn nhiên của trẻ". Tiếp lời, chủ tọa cho rằng bị cáo cũng có con tầm tuổi cháu D., vì sao không yêu thương trẻ như chính con ruột mình? "Là một cô giáo phải có đạo đức nhà giáo; là người mẹ thì phải lấy tình thương yêu trẻ con làm đầu" - chủ tọa nói.

Trong khi tòa nghị án, bên hành lang phòng xử, với khuôn mặt khắc khổ, mẹ Phúc cho biết từ khi Phúc bị bắt, bà là người chăm sóc đứa con 3 tuổi của Phúc. "Phải chi cháu mạnh khỏe cũng đành, đằng này thằng nhỏ bị bại não kèm theo nhiều chứng bệnh hen suyễn, tim mạch khiến cuộc sống của hai bà cháu không lúc nào bình yên. Cứ năm bữa, nửa tháng thằng nhỏ lại trở bệnh, tôi bị thoái hóa khớp chân không đi đứng gì được, bà cháu lại đón xe ôm đùm túm lên bệnh viện" - mẹ Phúc bật khóc khi kể về hoàn cảnh gia đình.

Về số tiền 65 triệu đồng khắc phục hậu quả, mẹ Phúc cho biết phải vay mượn khắp nơi mới đủ tiền với mong muốn bù đắp những sai phạm do con mình gây ra. Sau khi tòa tuyên án, Phúc ngã quỵ. Đau xót, thương con nhưng mẹ Phúc chỉ biết khóc, nói với theo động viên con ráng cải tạo tốt để sớm trở về. 

Trường mầm non cũng có lỗi

Bảo vệ cho bị hại, luật sư cho biết từ lúc xảy ra sự việc cháu bé bị bạo hành, chủ cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng chưa một lần thăm hỏi, động viên gia đình bị hại. Theo luật sư, cơ sở mầm non nơi Phúc làm bảo mẫu có nhiều sai phạm như tuyển chọn bảo mẫu không bằng cấp, một bảo mẫu phải chăm sóc quá nhiều trẻ nên không bảo đảm chất lượng. Về vấn đề này, khi tuyên án, HĐXX đồng ý với quan điểm của luật sư, tuy nhiên sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương cũng đã đình chỉ hoạt động cơ sở này.

 

 

Nguồn: Phạm Dũng - (nld.com.vn)

T/h: Tuyết Băng - (dongbang.vn)